TỔNG QUAN VỀ HỌC TẬP CẢM XÚC – XÃ HỘI (SEL)
Năng lực học tập cảm xúc - xã hội (SEL) phát triển trong suốt cuộc đời của chúng ta và là yếu tố cần thiết để mỗi người có thể thành công ở trường học, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng.
Học tập cảm xúc - xã hội là gì?
Học tập cảm xúc - xã hội (Social and Emotional Learning, hay được gọi tắt là SEL), được xem như một phần không thể tách rời trong giáo dục toàn diện một đứa trẻ. SEL thường được sử dụng như một thuật ngữ bao trùm (umbrella term) đại diện cho một loạt các kỹ năng mà người lớn và trẻ em cần có để xây dựng bản sắc cá nhân lành mạnh, thiết lập mục tiêu, quản lý hành vi, xây dựng mối quan hệ, xử lý thông tin.
Theo Tổ chức Hợp tác về Học thuật và Học tập Cảm xúc – Xã hội (CASEL), có 5 năng lực cảm xúc – xã hội cốt lõi, gồm:
1. Nhận thức bản thân
2. Quản lý bản thân
3. Nhận thức xã hội
4. Xây dựng mối quan hệ chất lượng
5. Ra quyết định có trách nhiệm
Lợi ích của học tập cảm xúc – xã hội đối với học sinh
Hàng trăm nghiên cứu được thiết kế nghiêm ngặt đã ghi lại những tác động tích cực của SEL trên học sinh trong các bối cảnh đa dạng, từ mầm non tới trung học phổ thông, ở thành thị, ngoại ô và nông thôn. Nghiên cứu cho thấy SEL không chỉ cải thiện thành tích học tập (6-11%) mà còn làm tăng các hành vi hướng tới xã hội (Prosocial behaviors), chẳng hạn như lòng tốt, sự chia sẻ và đồng cảm, cải thiện thái độ của học sinh đối với trường học, giảm trầm cảm và căng thẳng ở học sinh. Những học sinh này ít có nguy cơ phạm tội hoặc gặp các vấn đề về sức khỏe tình dục hoặc tâm thần hơn so với những em không được trang bị kỹ năng SEL.
Học sinh thành công hơn trong trường học và cuộc sống hàng ngày bởi các em:
1. Biết và có thể quản lý bản thân.
2. Hiểu quan điểm của người khác và xây dựng mối quan hệ tích cực với họ.
3. Đưa ra lựa chọn đúng đắn về các quyết định cá nhân và xã hội.
4. Thái độ tích cực hơn đối với bản thân, người khác và nhiệm vụ, bao gồm nâng cao hiệu suất của bản thân, sự tự tin, tính kiên trì, sự đồng cảm, kết nối và cam kết với trường học, và ý thức về mục đích.
5. Có các hành vi xã hội và mối quan hệ tích cực hơn với bạn bè cùng lứa và với người lớn.
6. Giảm các vấn đề về hạnh kiểm và hành vi rủi ro.
7. Giảm cảm xúc đau khổ.
8. Cải thiện điểm kiểm tra, điểm số và sự chuyên cần.
Tại Hanoi Westminster School, chúng tôi tin rằng để giáo dục khai phóng có thể trở thành hiện thực thì trước tiên phải kiến tạo được một môi trường mà trong đó trẻ em cảm thấy an toàn, cảm thấy được hỗ trợ để các con tự tin là chính mình và tự do khám phá những năng lực tiềm ẩn. Do đó, trang bị cho người lớn, cụ thể là giáo viên và ba mẹ, về những cách thức để hỗ trợ trẻ được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của phương pháp giáo dục mà nhà trường theo đuổi. Và một trong những nội dung được trang bị đầu tiên phải kể đến học tập cảm xúc – xã hội.
Chương trình học tập cảm xúc - xã hội theo Illinois SEL Standards mà Trường Tiểu học & THCS HWS đang chú trọng giảng dạy không chỉ đơn thuần là 1 môn học hay 1 tiết học trong tuần của Học sinh mà nó còn được thấm nhuần và lan tỏa trong tất cả các hoạt động tại trường.
SEL được chuyển tải qua nhiều hình thức đa dạng nhưng nổi bật nhất vẫn là các thực hành nghệ thuật khuyến khích trải nghiệm, khám phá và suy ngẫm. Trong những hoạt động này, trước hết, mỗi cá nhân tìm thấy một không gian an toàn để thể hiện cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm của mình. Bên cạnh đó, việc tương tác và chia sẻ về mình giúp mọi người hiểu nhau hơn, hiểu quan điểm, cảm xúc và nhu cầu của người khác hơn, từ đó giúp xây dựng và củng cố các kết nối, góp phần tạo ra một môi trường hỗ trợ và kích thích sự khám phá, sáng tạo.
Bài viết liên quan
Tính toán là một trong những kỹ năng thiết yếu của thế kỷ 21. Không chỉ vậy, môn Toán đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề.
Những lời động viên, chia sẻ chân thành từ HWStars gửi đến các bạn nhỏ ở vùng chịu ảnh hưởng của thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kì
Đất nước mặt trời mọc nổi tiếng thế giới với phong cách kiến trúc đơn giản nhưng tinh tế, tiện dụng và gần gũi với môi trường. Đặc biệt, tư duy thiết kế của người Nhật luôn lấy con người làm trung tâm, và hướng tới tiện ích tối đa cho người dùng...